Kinh nghiệm viết essay dành cho các bạn thi UEE

Lời mở đầu: Tiếng Anh là 1 trong các môn thi bắt buộc trong kì thi UEE vào các trường đại học công lập ở Singapore. Sau khi tham gia tổ chức buổi chia sẻ Tiếp sức mùa thi UEE 2015, mình được biết rằng rất nhiều bạn coi nhẹ môn Tiếng Anh và thường chỉ tập trung vào các môn thi chính như Toán, Lí, Hóa. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng điểm Tiếng Anh cao luôn là lợi thế để các bạn có thể đỗ vào các ngành có tỉ lệ chọi cao như Business hoặc Accountancy; các bạn sang đây cũng sẽ không phải học lại Tiếng Anh. Với tư cách từng cũng từng là 1 “gà” tiếng Anh nhưng có điểm thi tạm đủ, mình xin được chia sẻ 1 số kinh nghiệm về môn tiếng Anh với các bạn để có thi tốt trong kì thi sắp tới.

1) Những điều chuẩn bị trước khi làm bài thi

– Tập viết trước: giờ nói cái này có vẻ muộn do 2 tuần nữa nhiều bạn sẽ thi nhưng mà tập viết trước còn hơn không. Tập viết trước rồi bấm thời gian làm bài như thật thì sẽ luyện cho bạn viết đủ nhanh đúng với thời gian thi, viết mà mắc ít lỗi chính tả/ ngữ pháp hơn cũng như bạn sẽ quen hơn với cấu trúc của essay. Mỗi ngày tự luyện 1 đề mình thề là các bạn sẽ viết hay hơn.

– Chuẩn bị kĩ về mặt nội dung: cái này khá quan trọng. Bạn viết 1 bài văn mà chả có ví dụ nào dẫn chứng, các luận điểm của bạn nghe ngây thơ như bài văn tả cô giáo của em lớp 2 là đi. Đọc nhiều trước khi thi sẽ không chỉ có giúp bạn có thêm ví dụ đưa vào bài mà nhiều bài báo, phân tích cũng chứa các luận điểm rất hay mà bạn có thể sử dụng là 1 ý chính trong bài essay của bạn. 1 số tips về việc đọc, tìm kiếm nội dung chuẩn bị thi tiếng Anh là:

+ Đọc về mấy cái vấn đề nóng của quốc tế gần đây, xuất hiện suốt ngày trên báo, trên facebook. Người chấm thi dễ hiểu bạn đang nói cái gì mà bạn cũng dễ nhớ. Bài văn nào của bạn nói về Charlie Hebdo thì giờ ai cũng biết. Tuy nhiên, nếu đọc bằng tiếng Việt thì nhớ suy nghĩ xem nếu mình viết về cái này trong Tiếng Anh thì sử dụng từ vựng gì cho hợp, viết về nó thế nào.

+ Với 1 ví dụ, 1 sự kiện bạn tìm được, hãy liên hệ nó với nhiều mảng trong cuộc sống. Ví dụ lại là Charlie Hebdo: từ vụ này bạn nhận thấy các vấn đề gì trong các chủ đề politics, religion, violence and crime, media?

+ Đừng học tủ về riêng 1 chủ đề như Science and Technology hay Environment hay gì đó. Cố gắng đọc nhiều mảng nhất có thể vì đề thi có thể ra về bất kì chủ đề nào.

2) Trước khi làm bài

– Đọc kĩ đề trước khi làm bài. Từng từ trong đề đều rất quan trọng và sẽ hướng bài văn của bạn đi đến đâu. Bạn không đọc kĩ đề, viết lan man thì coi như là không trả lời được câu hỏi và bạn tạch. Đề có những từ như “Explain”, “Describe” thì bạn viết expository essay mà đề có “Discuss”, có “Agree to what extent” thì bạn phải để ý viết argumentative essay.

– Hãy làm outline chứ đừng hung hục viết luôn. Khi bạn không làm dàn ý, nhiều khả năng là bạn viết đến giữa bài thì: i) không biết viết gì nữa hoặc ii) nhận ra mình đang không viết đúng với những gì định viết. Và bạn lại tạch.

3) Làm bài

Về phần làm bài mình sẽ chia ra làm 3 phần là về argumentative essay và expository essay cũng như 1 số lưu ý khi viết.

i) Expository essay

– Mình nghĩ expository essay khá đơn giản. Nó chỉ yêu cầu bạn giải thích các ý kiến của bạn.

– Cấu trúc gồm:

+ Mở bài: nên mở đầu bằng 1 cái “hook” để gây ấn tượng với người chấm thi (có thể là 1 câu nói của người nổi tiếng, 1 ví dụ về 1 người nổi tiếng), liên kết phần mở đầu của bạn với câu hỏi của bài viết và nêu ra thesis statement (kiểu như ý kiến của bạn cho câu hỏi lớn của bài essay)

+ Thân bài: bạn có bao nhiêu lý do để giải thích cho cái thesis statement của bạn thì có bấy nhiêu đoạn thân bài. Cấu trúc của 1 đoạn thân bài gồm có 1 câu topic sentence: nêu ra ý chính của đoạn; giải thích rõ hơn về ý đó và ví dụ để ủng hộ ý của bạn. Topic sentence mình thường để đầu câu để cho rõ ràng và người chấm thi dễ nhận ra.

+ Kết bài: nói lại thesis statement và tóm tắt những ý bạn đã nói trong thân bài.

ii) Argumentative essay:

– Khác với expository essay, argumentative essay là văn nghi luận, yêu cầu bạn tranh luận về vấn đề. Trong 1 argumentative essay, các ý nêu ra thường là 2 mặt của 1 vấn đề chứ không như expository essay: bạn chỉ nêu ra các ý kiến bảo vệ thesis statement của bạn.

– Cấu trúc gồm:

+ Mở bài: cũng nên mở đầu bằng 1 cái hook rồi liên kết phần mở đầu với câu hỏi. Tuy nhiên ở phần thesis statement sẽ không chỉ đơn giản là 1 câu khẳng định hoặc phủ định, không hoặc có. Nếu câu hỏi yêu cầu “discuss”, mình thường ghi rõ ra trong phần mở bài rằng ý kiến này đúng trong 1 số trường hợp và sai trong 1 số trường hợp. Câu hỏi là “agree to what extent”, thì mình ghi ra là “agree to a large extent” hoặc “agree to a small extent”.

+ Thân bài: trong thân bài bạn sẽ phải thảo luận tất cả các ý liên quan tới vấn đề được đặt ra trong câu hỏi, kể các ý kiến ủng hộ và ý kiến chống đối. Có 2 cách để viết thân bài. Cách thứ nhất là bạn viết hết các ý kiến ủng hộ/ ý thuận trước rồi viết các ý chống ra sau. Cách thứ 2 là bạn cùng viết 2 ý thuận và chống trong cùng 1 đoạn rồi thảo luận xem ý kiến nào hợp lý hơn. Tuy nhiên, mình thường chọn cách số 1 vì cấu trúc sẽ rõ ràng hơn và bạn sẽ không tự dẫm vào chân mình khi viết.

+ Trong thân bài, bạn cũng viết topic sentence, giải thích rồi đưa ra các ví dụ chứng minh cho ý kiến của bạn. Khi đưa ra ví dụ, bạn hãy giải thích xem ví dụ đó liên quan tới câu hỏi và luận điểm của bạn thế nào chứ đừng chỉ viết 1 câu “For example, …” cụt lủn.

+ Kết bài: hãy tóm tắt lại các ý kiến trong thân bài, cân nhắc tất cả các yếu tố đã xem xét và kết luận tại sao bạn lại nghiêng về 1 phía hơn.

iii) Những lưu ý chung khi viết bài:

– Với các bạn không vững ngữ pháp thì hãy viết các câu ngắn, câu đơn. Câu của bạn sẽ dễ hiểu và bạn sẽ giảm thiểu được lỗi ngữ pháp.

– Đầu đoạn nhớ có các từ để chuyển đoạn. Ví dụ trong thân bài bạn có 2 ý để ủng hộ cho ý kiến được nêu ra trong đề bài thì đầu đoạn hãy viết “The first/ the second reason why I support this statement is that …” hoặc ngắn hơn thì là “furthermore”, “next”. Để chuyển từ ý kiến ủng hộ sang ý kiến đối lập, hãy dùng các từ chuyển tiếp như “however”, “nonetheless”.

– Đừng dùng bút xóa hoặc viết đè lên. Hãy gạch đi và viết sang bên cạnh nếu bạn nhận ra bạn viết sai từ gì đó.

– Viết 1 đoạn văn có đầy đủ lý lẽ nhưng không kịp viết kết bài với 1 bài văn đầy đủ cấu trúc mở-thân-kết: cái nào hơn? Theo như mình được nghe từ giáo viên, 1 bài văn đầy đủ cấu trúc sẽ được ưu tiên hơn. Vì vậy khi gần hết giờ, hãy viết vắn tắt đoạn cuối cùng và cố gắng hoàn thành kết bài.

Tất cả các chia sẻ trên đây đều là kinh nghiệm cá nhân của tác giả, 1 gà học theo phương pháp để ăn điểm chứ ko phải 1 siêu nhân tiếng Anh, viết essay tiếng Anh hay như viết văn tiếng Việt. Các bạn đọc có thể thấy không giống hoặc không hay như phương pháp mình đang học là điều tất nhiên. Còn các siêu nhân đọc xong thấy có gì muốn góp ý thì hãy comment nhiệt tình để cho mọi người được mở rộng tầm mắt nhé 😀

Đỗ Thanh Tùng NJC ’13, NTU ’17

2 thoughts on “Kinh nghiệm viết essay dành cho các bạn thi UEE

  1. Pingback: Kinh nghiệm viết essay dành cho các bạn thi UEENgười Du Học

Leave a comment