ASEAN – nên hay không nên?

Quyết định đi du học trung học tại Singapore đã được bàn luận nhiều tại bài viết gây tranh cãi và bài phản biện. Kết quả thi ASEAN năm 2014 vừa được công bố, và khi các em học sinh 14, 15 tuổi phải đưa ra quyết định về bốn năm tiếp theo của cuộc đời mình trước ngày 29/9/2014, ban biên tập xin đưa ra bài phân tích ngắn về cái được và mất của việc đi du học Singapore.

Bài viết được đóng góp bởi Tống Hiền Chi, học sinh Học bổng ASTAR tại National Junior College khoá 2014, và hiện tại đang học tại Yale University khoá 2018.

Có rất nhiều cựu du học sinh tại Singapore sẽ khuyên các em nên đi để “mở mang đầu óc.” Việc được trao học bổng ASEAN là một cơ hội quý báu, nhiều gia đình tốn nhiều công sức và tiền của để có hồ sơ mà học sinh vẫn không thi đỗ. Như cách nói hài hước của Lê Nguyệt Anh, NUSH’13, “Nếu sợ bị lỡ 2,3 năm học mà không đi, hay sợ không thích nghi được với nhịp sống tại Singapore thì… chúc may mắn. Nói chung là phải bước ra khỏi vùng an toàn (step out comfort zone) thì mới học hỏi và trưởng thành được. ” Theo Tú Anh, NUSH’14, thì “cái chính là bạn được phát triển tính cách và rèn luyện bản thân ở bên này rất nhiều. Nếu nói về mặt CLB thì ở đây còn nhiều và đa dạng hơn VN. Về mặt bạn bè thì cứ cởi mở là sẽ hòa đồng được thôi; ở đâu cũng sẽ tìm được bạn, miễn là bạn cố gắng”.

Tuy nhiên, tính cạnh tranh của học bổng này không phải là yếu tố quan trọng nhất – không phải những thứ nhiều người khác muốn đều là tốt nhất cho mỗi người. Luồng ý kiến về những lí do không nên đi Singapore cho thấy một bộ phận không nhỏ những du học sinh Singapore cảm thấy không hài lòng về trải nghiệm của mình, và không phải ai được học bổng cũng có tương lai trải hoa hồng.

Việc sau khi đi Singapore sẽ vào đại học chậm hơn 2 năm so với bạn bè cùng trang lứa là một vấn đề lớn. Như bạn Đỗ Thanh Tùng, Nanyang Technology University khoá 2017, “10 năm từ lúc 20 đến 30 tuổi là thời gian tự do. Nếu đi Sing bị mất 2 năm do học chậm, và nếu lên đại học ở Sing, cộng với 3 năm làm việc tại Singapore do ký hợp đồng hỗ trợ chi phí đại học, vậy là đã mất 9 năm của tuối 20. Trong khoảng thời gian đó, 1 người đã có thể đi nhiều nơi khác, học cao lên, về việt nam làm nhg gì mình thích.  Hơn nữa, học sinh học bổng ASEAN có thể bị phân vào trường cấp 3 với chất lượng trung bình khá, giáo viên ko phải lúc nào cũng là những người giỏi nhất. Học sinh ASEAN ko vào đc Integrated Program (chương trình học nối liền từ O level lên A level) lại còn phải thi O level, thi nhiều, nhiều áp lực nên khổ lắm”. 

Có những ý kiến khác thì cho rằng “Tuỳ thuộc nguyện vọng, sở thích, kinh tế gia đình và mục tiêu đại học, ngành học mà các bạn quyết định nên đi hay ko.”, hoặc ” muốn học đại học ở Singapore thì luôn cũng được, còn muốn đi Mỹ/Anh/Úc thì nên ở VN”, hay “tùy bạn í muốn học và sống trong môi trường như thế nào, sẵn sàng đi du học bây h chưa, nhu cầu về vn thăm nhà nhiều hay ít”.

Vậy còn những mặt tốt của việc du học Singapore? Thày Hoài Chung (National Junior College ’04, Williams College ’09 cho rằng ” Điểm tốt là đỡ phải đi học thêm, và được tham gia hoạt động tài năng và thiện nguyện tổ chức bài bản.”

Mình không phủ nhận những mặt trái của du học Singapore. Thường thì chỉ có những tấm gương thành công ở Singapore được mọi người biết đến, và những câu chuyện của những học sinh bình thường khác sẽ không lên báo để cho các bạn nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh về du học tại đảo quốc sư tử. Đó cũng là lí do mình tổng hợp bài viết này, vì nếu chỉ có ý kiến cá nhân của mình, thì bạn cũng đoán được, với sự biết ơn của mình cho 4 năm tại Singapore, mình nghiêng về phía nào.

Điều mình thấy sai lầm trong tất cả những ý kiến trên là sự giả định rằng “thành công” nghĩa là sau 4 năm tại Singapore, bạn nộp đơn thành công đi Mỹ. Singapore KHÔNG phải là bước đệm của bạn đến các nước khác. Nếu 4 năm trung học chỉ có một mục đích là nộp đơn vào đại học, thì bạn sẽ đánh mất rất nhiều thứ. Singapore sẽ là nơi cho bạn những cơ hội ngoại khoá, tình nguyện, nơi rèn luyện sự trưởng thành, kỹ năng hoà nhập vào cộng đồng mới, và nhiều điều bổ ích khác. Singapore không phải là lò luyện đi Mỹ, vì vậy đừng nghĩ rằng được học bổng ASTAR là tấm vé đến đất nước của tượng nữ thần tự do.

Việc chậm 2 năm so với các bạn cùng tuổi khi vào đại học là một vấn đề lớn – bản thân mình cũng đã rất nhiều lần day dứt về vấn đề này. Có thể là mình đã học được cách hài lòng với những gì mình có, nhưng hiện giờ mình thấy vào đại học chậm hơn những bạn khác 2 năm không phải là vấn đề quá lớn. Mình không cần luôn luôn “hơn” những người bằng tuổi mình. Thành công đến muộn cũng vẫn là thành công. Việc lớn hơn 2 tuổi so với bạn cùng năm còn có thể cho bạn một lợi thế về độ trưởng thành trong suy nghĩ (dù đối với con gái thì sẽ có thêm khó khăn cho việc tìm chồng khi mà phần lớn bạn học trẻ hơn 2 tuổi).  Hơn nữa, bạn không “mất” 2 năm, mà có thêm thời gian để sống thêm ở giai đoạn trung học, và có 8 tháng từ sau khi thi A level để làm những gì bạn thích. Đây là cơ hội quý giá để khám phá mọi thứ mà không phải ai cũng làm được.

Tuy nhiên mình cũng hiểu rõ rằng, không phải mọi cơ hội tốt nhất ở Singapore đều có thể nắm bắt được, nhiều khi chỉ vì bạn không phải là người dân nước họ. Việc phân biệt đối xử không phải là không có. Nhịp sống nhanh, khối lượng bài tập và công việc lớn, cộng với thiếu thốn sự chăm sóc của bố mẹ, dẫn đến một sự thật rằng không phải ai cũng có những trải nghiệm tốt đẹp tại Singapore.

Nếu bạn ký học bổng ASEAN/ASTAR, hãy sang Singapore với một nguồn năng lượng không bao giờ cạn để đương đầu mọi thử thách với tinh thần ham học hỏi, và trân trọng những gì bạn có. Chúc các bạn một ngày sẽ coi Singapore là ngôi nhà thứ hai, và luôn hài lòng với sự lựa chọn của mình.

P.S. Có một series tại đây về việc du học ở Singapore mà mình rất tâm đắc, các bạn có thể tham khảo.

Leave a comment